Support 24/7

0907 871 888

Lịch sử thương hiệu Motorola

  12-05-2021
Paul Galvin chính là Cha đẻ của đế chế Motorola
 
 
Khởi nghiệp từ việc bán bắp rang tại nhà ga giữa những giờ học, Paul Galvin đã thấu hiểu rõ những kỹ năng tiếp thị trong kinh doanh. Ngay trước khi sáng lập ra Mototrola, ông đã có tới hai lần bị phá sản. Nhưng cuối cùng, Galvin đã thành công trong việc chế tạo mặt hàng radio trên xe hơi và mở ra một chiến lược kinh doanh cho riêng mình: đó là bán các sản phẩm điện tử xách tay nhỏ gọn.
 
Paul Galvin chào đời tại Harvard vào ngày 29-6-1895. Ngay từ khi còn đi học phổ thông, cậu đã thể hiện niềm say mê kinh doanh đặc biệt của mình. Trong khi các bạn đồng niên chúi đầu vào học, cậu bé Paul 13 tuổi đã lang thang tại nhà ga để bán bắp rang.
 
Ngay từ thời đó, cậu bé đã biết tìm hiểu kỹ thị trường và làm quen được với chính sách điều tiết của chính phủ, một trong những cơ sở của nền kinh tế hiện đại. Paul đã “làm ăn” như thế cho đến khi thi vào trường đại học tổng hợp bang Illinois năm 1914. Sau khi tốt nghiệp, Paul nhập ngũ vào năm 1917 và sang châu Âu chiến đấu. Khi trở về quê hương, Paul tìm được việc làm tạm thời tại một nhà máy chế tạo ắc qui. Chính tại đây, niềm đam mê kinh doanh từ hồi nhỏ của anh lại bùng phát. 
 
Hai lần phá sản đầu tiên
 
Paul đã quyết định mở một công ty sản xuất pin tại bang Wisconsin cùng với một đồng nghiệp tên là Edward Stewart. Tuy nhiên Stewart-Galvin Battery Company chỉ tồn tại được có 3 năm, sau khi chính phủ bắt đóng cửa vì không chịu nộp thuế. Để có tiền nuôi vợ con, Paul đã phải tạm gác niềm đam mê kinh doanh của mình, bằng lòng với vị trí thư ký riêng của Emil Brach, chủ nhân của hãng bánh kẹo Brach Candy.
 
Nhưng chỉ 3 năm sau, Paul lại cùng với đối tác cũ Edward Stewart tổ chức lại việc sản xuất pin, nhưng lần này là ở Chicago. Có điều là công ty này còn “yểu mệnh” hơn sau hai năm tồn tại.
 
Tuy nhiên, Paul đã không đầu hàng. Anh vét nốt 750 USD còn lại để mua trang bị bán đấu giá của các công ty sản xuất thiết bị điện. Trong lúc đang gặp khó khăn, cậu em trai Josef đã quyết định “chung lưng đấu cật” với ông anh, khi góp vào thêm 565 USD để đảm bảo những chi phí tiếp theo.
 
Thế là Galvin Manufacturing Corporation được thành lập vào ngày 25-9-1928, trụ sở đặt tại Chicago. Mối lo ngại tiếp tục phá sản đã kết thúc và Paul bắt đầu toàn tâm lo cho sự nghiệp của đời mình. 
 
Từ những chiếc radio dùng cho xe hơi
 
Trong những năm 1920, cuộc sống của người dân Mỹ thường gắn liền với hai loại đồ vật: đó là xe hơi và radio. Việc xuất hiện một mẫu radio được đánh giá là một sự kiện không kém phần quan trọng so với việc giới thiệu một mẫu xe hơi mới. Tuy nhiên, mọi nỗ lực trước đó nhằm kết nối hai thành tựu của kỹ thuật mới này đều gặp thất bại.
 
Nguyên nhân là do nhiễu của máy phát và bộ chia lửa khiến radio hoạt động rất tồi trên xe hơi. Để có thể nghe được chương trình phát thanh, người ta buộc phải tắt động cơ xe. Ngoài ra, những bóng đèn linh kiện trong radio cũng rất dễ vỡ khi xe bị xóc. Nói chung là radio và xe hơi được coi là “không thể đồng hành” cho tới khi kỹ sư Wiliam Lear đề nghị Galvin chế tạo một loại radio mới dành cho xe hơi.
 
Vài tháng sau, khi tới công tác ở NewYork, Galvin đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một thông báo, trong đó quảng cáo lắp được radio trên xe hơi với giá 240 USD trong khi một chiếc xe hơi khi đó chỉ gần 650 USD. Thế là, ý tưởng của Lear đã không còn là chuyện nực cười đối với Galvin nữa. Ông lập tức quay trở lại Chicago và chỉ thị cho các nhân viên: phải chế tạo cho được loại radio dùng trên xe hơi có giá dưới 240 USD.
 
Galvin tin rằng, phương pháp tốt nhất để lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với sản phẩm mới là phải trưng bày được nó tại kỳ họp của Hiệp hội các nhà sản xuất radio tại Atlantic-City, sẽ diễn ra chỉ sau đó có vài tháng. Chỉ hai ngày trước khi cuộc họp diễn ra, mẫu đầu tiên của chiếc radio đã được làm xong mà không kịp có thời gian để thử nghiệm. Nó được đưa tới cuộc họp trên chính chiếc xe “Studebaker” của Paul. Giá thành của chiếc máy khi đó chỉ là 110 USD. Kết thúc hội nghị, Paul đã nhận được một vài hợp đồng.
 
Sau này, khi bắt tay vào sản xuất hàng loạt, Galvin đã nghĩ cho chiếc radio một nhãn hiệu thương mại đặc biệt. Ông kết hợp từ “chuyển động” (theo tiếng Anh là motion) và tên gọi của loại nhãn hiệu radio dùng tại nhà đang phổ biến lúc bấy giờ Victrola. Và thế là nhãn hiệu Motorola ra đời. 
 
Trên đà phát triển
 
Công ty của Galvin nhanh chóng sản xuất thêm loại radio xách tay. Cho đến năm 1936, khi radio đã có mặt trong khoảng một nửa gia đình tại Mỹ, Paul bắt đầu tìm kiếm một thị trường mới. Ý tưởng sản xuất điện đài dành cho quân đội bắt đầu nảy sinh trong đầu Paul trong chuyến đi nghỉ cùng gia đình tại châu Âu vào năm 1936.
 
Galvin tin chắc rằng, sắp sửa nổ ra một cuộc chiến tranh mới tại châu Âu. Ông lệnh cho các kỹ sư của công ty phải chế tạo loại điện đài mới cho quân đội thay cho loại điện đài cồng kềnh và lạc hậu không thể nghe và nói cùng một lúc. Paul đã không hề sai lầm – chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra chỉ 3 năm sau đó.
 
Paul đã đề xuất quân đội Mỹ nên phát triển xu hướng liên lạc vô tuyến kép (tức là vừa nghe vừa nói như điện thoại). Thiết bị mới này đã mở đường cho công ty đến với những đơn đặt hàng rất lớn của quân đội. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ chính là bạn hàng lớn nhất của Galvin, giúp cho doanh số của công ty chỉ riêng trong năm 1940 đã lên tới 9,9 triệu USD.
 
Thời kỳ hoàng kim của Galvin đã đến thực sự. Cho đến cuối thời gian chiến tranh, công ty đã sản xuất cho quân đội Mỹ tổng cộng 130 ngàn chiếc điện đài.
 
Doanh thu của công ty tăng tới 80 triệu USD vào năm 1944. Tuy nhiên, Paul thừa hiểu rằng, chiến tranh sẽ không kéo dài mãi. Paul lại bắt đầu tìm kiếm một sản phẩm mới, có thể cho phép công ty của ông tiếp tục phát triển ngay trong thời bình. Và năm 1947, chiếc máy thu hình “Gold View” đã được tung ra thị trường với giá 179,95 USD rẻ hơn loại máy thu hình của hãng RCA tới hơn 100 USD với tính năng tương tự.
 
Chính nhờ sản phẩm mới này, Motorola đã bù lại được khoản sụt giảm doanh số 34 triệu USD, sau khi các đơn đặt hàng từ quân đội kết thúc vào năm 1945. Đến năm 1949, doanh số của công ty đã đạt được mức bằng với năm 1944 và tăng lên gấp đôi vào năm 1950 với con số 177 triệu USD.
 
Đến lúc này, Paul Galvin (đã được 50 tuổi) đã bắt đầu chuẩn bị cho đứa con trai Robert duy nhất của mình vào chiếc ghế người kế nhiệm. Năm 1948, chàng thanh niên 26 tuổi Robert Galvin đã trở thành phó chủ tịch điều hành của Motorola và đến năm 1956 trở thành chủ tịch. Robert vẫn được cha chăm chú theo dõi và dìu dắt cho tới khi ông qua đời vào năm 1959.
 
Người con được thừa hưởng từ cha một công ty với doanh số hàng năm tới 225 triệu USD đã nhớ lại: “Cha tôi không bao giờ có một kế hoạch phát triển công ty cụ thể chuẩn bị trước, nhưng ông là một người có khả năng ứng tấu bẩm sinh”.

Bài viết liên quan

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn

0904 535 797
0907 871 888